Thu thập dữ liệu người dùng dù đã tắt cài đặt, Apple bị kiện
Nhà sản xuất iPhone đã lén thu thập thông tin cá nhân của người dùng và che đậy bằng cách tạo ra các tuỳ chọn cài đặt “giả”. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dùng và khiến hãng rơi vào lùm xùm kiện tụng.
Trong vài năm qua, Apple liên tục thể hiện rằng công ty rất xem trọng quyền riêng tư của người dùng. Nhà Táo còn tranh cãi với các công ty công nghệ hàng đầu khác về vấn đề này, đáng chú ý nhất là với chủ sở hữu của Facebook – Meta. Vì những động thái bảo vệ thông tin của người dùng từ Apple, nhiều nền tảng khác, chẳng hạn như Facebook, phải trích ra hàng tỷ USD từ doanh thu để đáp ứng.
Tuy nhiên, hoá ra Apple cũng thu thập dữ liệu cá nhân, ngay cả khi người dùng đã thay đổi cài đặt trong máy để ngăn công ty làm điều này. Hiện nay, hành động này đang khiến Apple vướng vào những lùm xùm kiện tụng.
Tommy Mysk và Talal Haj Bakry, hai nhà phát triển ứng dụng và nghiên cứu bảo mật tại công ty phần mềm Mysk, gần đây đã phát hiện ra rằng iOS sẽ gửi “tất cả mọi thao tác được thực hiện” tới Apple khi người dùng sử dụng các ứng dụng của hãng. Theo đó, việc người dùng sử dụng các tùy chọn bảo vệ dữ liệu, chẳng hạn như “Tắt hoàn toàn việc chia sẻ các hoạt động Phân tích thiết bị”, hoá ra không hề có tác dụng gì.
Dữ liệu được thu thập cũng khá chi tiết. Gizmodo chỉ ra rằng, khi người dùng sử dụng App Store trên iPhone, thì những dữ liệu về tìm kiếm, những gì đã nhấn vào và thời gian họ kiểm tra, tìm hiểu một ứng dụng, tất cả đều được trực tiếp gửi tới Apple.
Không những thế, khi người dùng sử dụng ứng dụng Stocks (Chứng khoán) của Apple, công ty sẽ nhận được danh sách các cổ phiếu mà người dùng đã xem, hay bất kỳ bài báo nào họ đọc trong ứng dụng và tên của bất kỳ cổ phiếu nào họ đã tìm kiếm. Các mốc thời gian mà người dùng đã xem thông tin chứng khoán cũng sẽ được gửi đi. Một số ứng dụng khác của Apple thậm chí còn thu thập thông tin chi tiết về thiết bị iPhone của người dùng như kiểu máy, độ phân giải màn hình và ngôn ngữ bàn phím.
Nhóm nghiên cứu Mysk đã tiến hành thử nghiệm bằng cách sử dụng iPhone hệ điều hành iOS 14.6 đã bẻ khóa (jailbreak). Thử nghiệm đã phát hiện ra hoạt động tương tự trên iPhone với một điện thoại chưa bẻ khóa chạy iOS 16. Tuy nhiên, do vấn đề mã hóa, nên Mysk không thể xác định chính xác dữ liệu nào được gửi trên thiết bị sử dụng hệ điều hành mới nhất.
Một vụ kiện tập thể đã được đệ trình cho rằng hành động của Apple vi phạm Đạo luật về Quyền riêng tư của Người tiêu dùng California. Vụ kiện không xoáy sâu vào việc Apple đang thu thập dữ liệu cá nhân người dùng. Thay vào đó, đợn kiện tập trung vào các cài đặt của Apple, chẳng hạn như tính năng “Allow Apps to Request to Track” (Cho phép ứng dụng yêu cầu theo dõi) và “Share Analytics” (Chia sẻ số liệu), làm cho người dùng ngộ nhận rằng họ có thể vô hiệu hóa việc theo dõi.
Không có gì quá ngạc nhiên khi Apple hay bất kỳ công ty công nghệ nào thu thập dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, theo các phát hiện của nhóm thử nghiệm Mysk, Apple đang thu thập dữ liệu bất kể mọi tùy chọn cài đặt của người dùng, nơi họ được cung cấp tùy chọn để có thể tắt đi tính năng thu thập dữ liệu. Vô hình trung, điều này có thể khiến người dùng có một cảm giác an toàn giả tạo.