Phong cách quản lý khác thường của các nhà lãnh đạo Big Tech
Có điều gì đặc biệt trong phong cách quản lý của những “gã khổng lồ” công nghệ? Để điều hành các công ty hàng đầu thế giới, họ đã áp dụng phương pháp nào? Cùng Techie điểm qua một số bí quyết quản lý đáng chú ý nhất từ những tên tuổi lớn trong ngành!
Jeff Bezos – Amazon
Khi còn làm Giám đốc điều hành của Amazon, Bezos đã đề ra quy tắc quản lý nhóm “2 chiếc bánh pizza”. Nguyên tắc này hiện cũng đang được nhiều công ty trên toàn cầu học tập và áp dụng. Cụ thể, quy tắc khuyến nghị rằng số lượng người tham gia trong một nhóm hoặc một cuộc họp không nên lớn hơn số người có thể ăn hết 2 chiếc bánh pizza.
Ngoài ra, Benzos cũng nổi tiếng với việc cấm sử dụng PowerPoint. Thay vào đó, ông yêu cầu nhân viên viết bản ghi nhớ dài 6 trang cho các cuộc họp. Do đó, khi bắt đầu cuộc họp tại Amazon, những người tham dự cần dành 20 phút đầu tiên để đọc tài liệu. Sau đó, người thuyết trình sẽ giải đáp thắc mắc của từng người trong nhóm. Nhà lãnh đạo Amazon tin rằng, phương pháp này sẽ buộc người tham dự phải dành thời gian xem xét kỹ lưỡng các ý tưởng hơn.
Elon Musk – Tesla và X
Elon Musk đã tự mô tả mình là một “nhà quản lý nano” – tức là kiểu quản lý can thiệp chi tiết và chặt chẽ vào công việc hằng ngày của nhân viên.
Kiên định với phong cách đó, Musk không thích trao nhiều quyền lực cho cấp dưới. Thậm chí hồi năm ngoái, Musk đã nói với Tesla rằng ông muốn đích thân phê duyệt tất cả các nhân viên mới.
Tuy vậy, Musk cũng khuyến khích sự linh hoạt và chủ động trong công việc. Ông cho phép nhân viên hoàn thành công việc theo nhiều cách khác nhau. Trong một email gửi tới nhân viên Tesla cách đây vài năm, Musk tuyên bố rằng: “Mọi nhân viên ở Tesla đều có thể gửi email hoặc nói chuyện với bất kỳ ai nếu bạn cho rằng đó là cách nhanh nhất để giải quyết vấn đề. Bạn hoàn toàn có thể nói chuyện với lãnh đạo của cấp trên của bạn mà không cần sự cho phép của anh ấy. Bạn có thể nói chuyện trực tiếp với Phó chủ tịch ở bộ phận khác, bạn có thể nói chuyện với tôi, bạn có thể nói chuyện với bất kỳ ai mà không cần sự cho phép của người khác”.
Về việc họp hành, Elon Musk cho rằng các cuộc họp chỉ nên được tổ chức khi thật sự cần thiết. Ông yêu cầu nhân viên nên có ít cuộc họp, rút ngắn thời gian họp hơn và cho phép mọi người “rời khỏi cuộc họp khi cảm thấy không tạo thêm giá trị”.
Mark Zuckerberg – Meta
Tương tự Elon Musk, Giám đốc điều hành của Meta cũng không thích sự ủy thác. Theo Zuckerberg, các nhà lãnh đạo nên “đưa ra càng nhiều quyết định và tham gia vào càng nhiều việc càng tốt.”
Trong quản lý nguồn lực nhân sự, Zuckerberg cố gắng cắt giảm sự nhân sự và tinh chỉnh cho bộ máy công ty gọn gàng hơn. Ông từng thừa nhận rằng Meta đã tuyển dụng ồ ạt quá mức vào năm 2022 và cho biết muốn “duy trì mọi thứ tinh gọn”. Sau khi giảm nhân sự từ hơn 86.000 xuống còn 67.317 người, kết quả kinh doanh của Meta đã có sự tăng trưởng đáng kể.
Ngoài ra, Mark Zuckerberg cũng nổi tiếng thích mặc cùng một bộ trang phục mỗi ngày để tiết kiệm suy nghĩ cho những quyết định quan trọng hơn.
Jensen Huang – Nvidia
Giám đốc điều hành của Nvidia cho biết ông luôn muốn duy trì một cơ cấu tổ chức phẳng. Ông khuyến khích sự cởi mở, giao tiếp thẳng thắn và hợp tác giữa các nhân viên. Văn hóa này đã giúp Nvidia trở thành một nơi làm việc hấp dẫn và thúc đẩy sự đổi mới.
Theo Huang, CEO nên có báo cáo trực tiếp từ các bộ phận. Và thực tế cho thấy, ông có đến 50 báo cáo trực tiếp hằng kỳ. Ông cũng cho rằng, tất cả mọi người, từ Phó chủ tịch cho đến nhân viên mọi cấp bậc, đều có quyền được biết các thông tin của công ty và có thể tham gia bất kỳ cuộc họp nào.
Hiện Nvidia đang tận hưởng thời kỳ bùng nổ khi giá cổ phiếu của công ty tăng vọt trong kỷ nguyên AI. Theo nguồn tin từ Business Insider, Huang đã trao cho nhân viên một “khoản trợ cấp đặc biệt ” giúp nâng mức thưởng cổ phiếu của họ lên 25%.
Tim Cook – Apple
Giám đốc điều hành Apple nổi tiếng là nhà lãnh đạo có cách cư xử ôn hòa. Tuy nhiên, người kế nhiệm Steve Jobs cũng được biết đến bởi phong cách chất vấn và kiểm tra nhân viên. Đối với các vấn đề quan trọng, Tim Cook sẽ đưa ra hàng loạt câu hỏi khó để đảm bảo mọi khía cạnh của vấn đề đều đã được nhân viên xem xét kỹ lưỡng.
“Ông ấy sẽ hỏi bạn 10 câu hỏi. Nếu bạn trả lời đúng, ông ấy sẽ hỏi thêm 10 câu nữa. Nếu bạn có thể vượt qua “bài kiểm tra” này trong một năm, ông ấy sẽ chỉ còn hỏi bạn 9 câu. Thế nhưng, nếu bạn trả lời sai một câu, ông ấy sẽ hỏi bạn 20 rồi 30 câu”. Một cựu nhân viên Apple chia sẻ.
Larry Page và Sergey Brin – Google
Khi còn đương nhiệm, hai nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin đã khởi xướng chính sách “20% thời gian”. Chính sách này khuyến khích nhân viên dành 20% thời gian làm việc của mình để theo đuổi các dự án cá nhân hoặc các ý tưởng sáng tạo mà họ đam mê và tin rằng có thể đem lại lợi ích cho Google.
Dù không phải mọi ý tưởng đến từ chính sách 20% đều thành công, nhưng nó đã góp phần tạo ra văn hóa sáng tạo và đổi mới mạnh mẽ tại Google. Đây cũng là chính sách đem đến những sản phẩm đột phá như Adsense, Gmail, Google News.
Có thể nói, mỗi người đứng đầu Big Tech đều có những phương pháp quản trị riêng. Theo bạn, đâu là cách quản lý đáng học hỏi nhất?
>>> Xem thêm: Nữ tướng Baidu bị sa thải vì ủng hộ văn hóa làm việc độc hại