Google “tham chiến” AI: tạo “liên minh” để gia tăng sức mạnh, tích hợp tính năng lập trình cho chatbot!

Chatbot AI Bard của Google dường như vẫn đang là cái tên mờ nhạt so với đối thủ ChatGPT.  Nhưng với một loạt nỗ lực của “ông lớn” công nghệ này, liệu tình thế sẽ sớm xoay chuyển? Cập nhật ngay cùng Techie nhé!

Gia tăng sức mạnh bằng cách hợp nhất Brain và DeepMind

Vào hôm 20/4, Alphabet (công ty mẹ của Google) đã công bố chính thức về việc hợp nhất nhóm Google Brain và DeepMind. Sự liên minh thành một nhóm duy nhất với tên gọi Google DeepMind được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ AI của Google.

Được biết, Brain là nhóm AI nội bộ của Google và là một phần của bộ phận Google Research. Thành tựu nổi bật mà nhóm đạt được trước đây là AlphaGo, Transformers, word2vec, WaveNet, AlphaFold, các khung phần mềm như TensorFlow và JAX để thể hiện, đào tạo và triển khai học máy trên quy mô lớn.

Trong khi đó, DeepMind là công ty có trụ sở tại Vương Quốc Anh – được Google mua lại vào năm 2014. DeepMind chuyên phát triển các hệ thống máy học sử dụng mạng noron thần kinh sâu và các mô hình lấy cảm hứng từ sinh học. Vào thời điểm mua lại, đây được coi là một động thái của Google để đưa mình lên hàng đầu về học sâu, giúp cải thiện độ cạnh tranh của mình so với các đối thủ khác.

Google hợp nhất brain và deepmind
Liên minh Google DeepMind – ván cược lớn của Sundar Pichai (CEO Google)

Lãnh đạo của DeepMind là Demis Hassabis sẽ đảm nhận vai trò CEO công ty hợp nhất. Theo Hassabis, Google DeepMind sẽ giúp xây dựng một hệ thống trí tuệ nhân tạo chung hiệu quả và an toàn. Thực thể mới sẽ tập hợp các tài năng hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ tính toán, tài nguyên và cơ sở hạ tầng để tăng cường thế hệ tiếp theo của các sản phẩm phát triển trí tuệ nhân tạo cho Google và Alphabet Inc.

Cập nhật tính năng lập trình cho chatbot

Tiếp nối việc hợp nhất nhóm Brain và DeepMind, ngay hôm sau – 21/4, Google cho biết sẽ cập nhật tính năng hỗ trợ lập trình phần mềm cho chatbot AI tạo sinh Bard.

Viết code là một trong những yêu cầu hàng đầu mà người dùng gửi đến Google – theo bài đăng trên blog từ trưởng nhóm nghiên cứu sản phẩm của công ty này. Và vì lẽ đó, gã khổng lồ tìm kiếm cho hay, Bard sẽ có thể lập trình bằng 20 môn ngữ khác nhau. Trong đó, có các ngôn ngữ phổ biến như Java, C++, JavaScript, Python và TypeScript. Người dùng có thể xuất mã Python sang Google Colab. Đồng thời, tính năng “fix bug” sẽ được tích hợp và giải thích các lỗi lập trình cho người dùng. Mặt khác, chatbot này cũng sẽ có khả năng tối ưu hóa code để nâng cao hiệu suất và tốc độ phần mềm theo yêu cầu từ phía lập trình viên.

Bard của Google Bard sẽ có thể lập trình bằng 20 môn ngữ khác nhau
Bard của Google Bard sẽ có thể lập trình bằng 20 môn ngữ khác nhau

Theo nhận định, bộ kỹ năng này – dù chưa biết có đạt hiệu quả như kỳ vọng hay không – nhưng ít nhất có thể giúp Bard bắt kịp ChatGPT và Claude – về mặt lý thuyết.

Được biết, những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Google đang cố gắng bắt kịp Microsoft về các đổi mới AI. Hồi đầu tháng 3, công ty đã công bố chatbot AI Bard ra thị trường, tuy nhiên sự ra mắt dịch vụ này đã không thành công như mong đợi. Thậm chí, trong nội bộ Google cũng vướng nhiều tranh cãi khi một nhóm các nhân viên phản đối về sự vội vàng của công ty trong việc ra mắt chatbot.

Đáng chú ý vừa mới đây, một trong những người đi đầu về AI là nhà tâm lý học nhận thức và khoa học máy tính Geoffrey Hinton đã từ chức tại Google để có thể công khai cảnh báo về những lo ngại của công nghệ AI nói chung.

Geoffrey Hinton
Nhà khoa học máy tính Geoffrey Hinton lên tiếng cảnh báo về những hiểm họa của công nghệ do chính mình đặt tiền đề

Hinton nói ông hài lòng với công việc tại Google cho đến khi Microsoft tích hợp ChatGPT vào Bing. Điều này đe dọa hoạt động kinh doanh cốt lõi của Google, buộc hãng phải chạy đua theo công nghệ AI. Lo ngại của Hinton chủ yếu tập trung vào việc an toàn thông tin, bởi khi internet tràn ngập những nội dung từ AI, con người sẽ không biết đâu là sự thật. Đồng thời, khi các cá nhân và công ty cho phép hệ thống AI tự viết và chạy mã của riêng mình, “những con robot sát thủ sẽ xuất hiện ngoài đời thực”.

Quay trở lại cuộc cạnh tranh giữa Google và Microsoft. Mặc dù, cả 2 ông lớn đang được nhìn nhận như những công ty đi đầu về AI, nhưng cần phải lưu ý thêm rằng có rất nhiều công ty khác cũng đang nhập cuộc và có thể tạo nên một cuộc đua toàn cầu. Có thể rất nhanh thôi, chúng ta sẽ sớm thấy được những tiến bộ đáng kinh ngạc của AI. Và cả những mối lo ngại tiềm ẩn. Hãy cùng chờ xem!

>>Xem thêm: Khi phim viễn tưởng dự đoán đúng tương lai của công nghệ

Khám phá thêm
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Nếu như các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Okcupid, Facebook Dating vẫn chưa đem đến cho bạn một anh...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
“Nói Việt Nam không có văn hóa riêng do sao chép từ Trung Quốc chẳng khác gì nói Nhật Bản...