Đằng sau làn sóng sa thải hàng loạt trong ngành công nghệ

Bắt đầu từ Twitter, nối tiếp đến Meta, và sau đó là Amazon… chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua, chúng ta đã có dịp chứng kiến làn sóng sa thải lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ. Nguyên nhân vì đâu? Phải chăng, Thung lũng Silicon đã hết thời?

Mùa đông phủ bóng thị trường lao động công nghệ

Trong khoảng hơn một thập kỷ qua, những tập đoàn công nghệ ở Thung lũng Silicon đã trở thành điểm đến đáng mơ ước của nhiều người trẻ tuổi trên khắp toàn cầu. Và chỉ mới cách đây hơn một năm, nhân lực ngành công nghệ vẫn được các doanh nghiệp tích cực săn đón với mức lương và hàng loạt những chính sách hấp dẫn. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, các “gã khổng lồ” công nghệ hàng đầu đã đồng loạt công bố kế hoạch sa thải với mức độ chưa từng có!

Theo Washington Post, từ đầu tháng đến nay, các công ty ở Thung lũng Silicon đã sa thải hơn 24.000 nhân viên. Cụ thể, Twitter đã cắt giảm khoảng 3.700 nhân viên; Meta cắt giảm 13% tổng số nhân viên, tương ứng với con số 11.000; nền tảng thanh toán Stripe, công ty dịch vụ phần mềm Salesforce, công ty gọi xe Lyft cùng một hàng dài các công ty khác đã và đang nối tiếp danh sách sa thải nhân sự. Mới đây nhất, “ông vua” bán lẻ Amazon cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân viên sau quãng thời gian đóng băng tuyển dụng.

Làn sóng sa thải đang lan khắp Thung Lũng Silicon

Trước đó vài tháng, những kỳ lân công nghệ Trung Quốc là Alibaba, Tencent, ByteDance – công ty mẹ của TikTok, sàn thương mại điện tử Shopee, nền tảng gọi xe Didi Chuxing, “phiên bản Instagram” Xiaohongshu… đã khiến hàng chục nghìn người rơi vào cảnh thất nghiệp. 

Điều này đã làm dấy lên những lo ngại sâu sắc cho tình hình phát triển của một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất. Các công ty công nghệ đang phải đối mặt với vô số thách thức, điều kiên làm việc dự kiến sẽ trở nên khắc nghiệt hơn và hàng loạt khó khăn vẫn đang chờ phía trước.

Suy thoái kinh tế có là lý do chính?

Báo cáo kết quả kinh doanh quý III của phần lớn công ty công nghệ đều cho thấy một kết quả ảm đạm với doanh thu giảm mạnh từ 20 – 50% so với cùng kỳ. Theo tính toán của Nhật báo phố Wall, ngày sau khi bản báo cáo lợi nhuận được tung ra, nhóm 5 ông lớn về công nghệ gọi tắt là FAANG (gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google) đã để mất khoảng 580 tỷ USD giá trị vốn hóa. 

Tương tự như phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu, các công ty công nghệ bắt đầu nếm trải tác động từ lạm phát và lãi suất tăng cao. Tình hình kinh tế khó khăn khiến các thương hiệu giảm thiểu ngân sách chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số – vốn là nguồn doanh thu khổng lồ của các công ty công nghệ. Chưa kể, người dùng dịch vụ số cũng đang phải “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm những nhu cầu chi tiêu không cần thiết.

Nhưng liệu còn nguyên nhân sâu xa nào khác?

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, việc các công ty công nghệ đi tới bước như hiện nay là cái giá phải trả cho sự bành trướng trong thời kỳ Covid. Giãn cách xã hội cùng những quy định cách ly bắt buộc mọi người phải ở nhà liên tục trong suốt 3 năm đã khiến nhu cầu học tập, làm việc và giải trí trực tuyến tăng cao, giúp doanh số điện thoại thông minh và máy tính bùng nổ. Mặt khác, người dân mắc kẹt trong nhà tìm tới mua sắm trực tuyến, thúc đẩy các doanh nghiệp rót tiền vào ứng dụng quảng cáo.

Cắt giảm nhân sự là hệ quả của việc tuyển dụng ồ ạt và thiếu trách nhiệm trong thời kỳ bùng nổ của các công ty công nghệ

Doanh thu tăng trưởng nhanh chóng cùng nhu cầu cao bất thường đã khuyến khích các các công ty trong ngành thuê và mở rộng quy mô nhiều hơn mức cần thiết. Song thực tế lại cho thấy, các công ty công nghệ không thể duy trì mãi đà tăng trưởng nói trên. Ngay cả những người thành lập công ty cũng phải thừa nhận bước đi sai lầm của mình. Zuckerberg nói rằng Meta đã mở rộng quá mức. Jack Dorsey, cựu CEO của Twitter – cũng thừa nhận rằng đã tuyển thêm quá nhiều nhân viên trong những năm gần đây.

Một nguyên nhân khác khiến các hãng công nghệ đồng loạt sa thải vào thời điểm này, theo J.P. Gownder, Phó chủ tịch kiêm nhà phân tích chính tại Forrester cho biết, đó là vì rất có thể họ đang hành động theo các “ông lớn” đầu ngành – tức là các doanh nghiệp vừa nhỏ đánh giá điều kiện kinh tế một phần dựa trên tình hình các công ty khác.

Trước làn sóng sa thải ồ ạt nói trên, nhiều người đã liên tưởng đến vụ nổ bong bóng dot-com vào năm 2000. Tuy nhiên, quy mô đợt sa thải này vẫn còn kém xa hồi đầu thế kỷ. Theo Challenger, năm 2001, ngành công nghệ đã giảm 168.395 nhân sự, tiếp đến năm 2002 là 131.294. Những công ty sống sót sau thời kỳ này đã trở thành các tập đoàn công nghệ lớn. 

Khám phá thêm
Temu, một ứng dụng mua sắm Trung Quốc, đang gây chấn động trên internet với những sản phẩm rất rẻ....
“Chúng ta đang sống trong thế giới VUCA” – Câu nói này đã diễn tả đúng tình trạng thế giới...
Trong bài viết này, Techie sẽ giới thiệu đến bạn bản chất của tính năng constraints và auto-layout figma, cũng...
Theo một “nguồn tin mật” cho hay, Ghibli chính thức công bố trailer phần tiếp theo của tựa phim Vùng...
Thuật toán Dijkstra là một công cụ quan trọng trong lý thuyết đồ thị và tối ưu hóa. Với khả...
Nếu như các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Okcupid, Facebook Dating vẫn chưa đem đến cho bạn một anh...
Cảm biến sinh học (Biosensor) đã đánh dấu một thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi...
“Nói Việt Nam không có văn hóa riêng do sao chép từ Trung Quốc chẳng khác gì nói Nhật Bản...